Làm giàu từ chưng cất tinh dầu

Anh Má A Nủ, người H’Mông là Chủ nhiệm Hợp tác xã H’Mông Cát Cát có xưởng chưng cất tinh dầu lớn nhất xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.


 
 
Sau gần một năm rưỡi học chưng cất tinh dầu và thử nghiệm sản xuất, anh lập dự án thành lập Hợp tác xã H’Mông Cát Cát tại bản Cát Cát và đầu tư gần 300 triệu đồng xây nhà xưởng, mua sắm dây chuyền chưng cất tinh dầu. Hội viên hợp tác xã là các hộ gia đình ở xã Bản Khoang, huyện Sa Pa từng học nghề chưng cất tinh dầu của dự án học nghề chưng kết tinh dầu từ thảo dược. Đến nay đã có 12 hộ gia đình liên kết trồng nguyên liệu với hợp tác xã theo các đơn hàng sản phẩm.
 
 
Từ xưởng chưng cất tinh dầu đầu tiên ở bản Cát Cát, anh đã góp phần phát triển nghề trồng cây dược liệu tại xã San Sả Hồ, đặc biệt là khai thác nhiều loại cây dược liệu mới như cây màn tang, chùa dù. Trên thị trường, cây chùa dù đang được thu mua với giá 5.500 đồng/kg, màn tang có giá trị cao hơn, khoảng 10.000 đồng/kg. Người dân từ chỗ khai thác chùa dù, màn tang sẵn có trong tự nhiên nay đã chủ động nhân giống đưa về trồng ở vườn nhà, nương rẫy.
 
 
Chịu trách nhiệm tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, anh tìm mọi cách tiếp thị sản phẩm đến khách du lịch trong và ngoài nước đến Sa Pa, gửi bán tại các điểm du lịch và còn đưa lên mạng xã hội nhờ bạn bè giới thiệu. Đến nay, ngoài hệ thống bán lẻ tại Sa Pa và 5 chi nhánh phân phối tinh dầu tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hợp tác xã luôn có hợp đồng sản xuất cho gần 10 đơn vị nên các hội viên luôn có việc làm ổn định.
 
 
Hiện có tới 80% số hộ trong thôn Vân Nghệ, xã Mai Động, huyện Kim Động (Hưng Yên) đã đưa cây húng quế vào trồng. Hiện nay, toàn thôn có trên 11ha đất canh tác thì có trên 4ha diện tích trồng cây húng quế. Hầu hết các hộ trồng rau húng quế đều đầu tư xây lò chưng cất, chiết xuất tinh dầu trực tiếp cung cấp ra thị trường.
 
 
Theo kinh nghiệm của những người trồng, 1 sào rau húng quế trung bình sẽ cho thu hoạch trong 6 tháng, với khoảng 6 kg tinh dầu. Để chất lượng tinh dầu đạt hiệu quả cao sau khi chiết xuất thì cần phải chọn đúng thời điểm để thu hoạch, đó là khi ngồng hoa húng quế đạt độ dài tối đa, từ 5 - 7 cm, màu tím đậm và có mùi thơm đặc trưng. Vì chỉ khi ấy, rau húng quế mới có thể cho lượng tinh dầu cao nhất.
 
 
Với giá bán hiện nay khoảng 700 nghìn đồng - 1 triệu đồng/kg tinh dầu húng quế đã mang lại nguồn thu nhập 4 - 5 triệu đồng/sào/vụ cho người nông dân. Bên cạnh đó, trên cùng một đơn vị diện tích canh tác, ngoài thời gian 6 tháng/năm trồng rau húng quế, người dân cũng có thể trồng các loại cây rau màu khác như ngô, đỗ tăng thêm thu nhập.
 
 
Anh Từ Linh Nhân - thôn Ngô Đồng, xã Cam Thành (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) là người đi đầu sản xuất tinh dầu lạc ở khu vực miền Trung theo quy mô lớn, doanh thu 500 triệu đồng/tháng.
 
 
Anh Nhân cho biết, mỗi năm công ty chế biến 1.000 tấn lạc (trong đó 600 tấn hàng thô xuất khẩu, còn lại sản xuất tinh dầu lạc). Trung bình, 2,3 kg lạc khô sẽ cho ra 1 lít dầu lạc. Mỗi tháng công ty cung cấp ra thị trường các thành phố lớn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… 5.000 lít dầu lạc, doanh thu 500 triệu đồng. Ngoài ra, xác (sau khi ép lấy dầu), vỏ, thân và lá cây lạc đều được tận dụng để sản xuất phân bón, phục vụ trở lại việc trồng lạc.
 
 
Quy trình sản xuất tinh dầu lạc của công ty là lạc sau khi thua hoạch phải phơi khô, bóc vỏ lấy nhân xay thành bột, sau đó hấp cách thủy khoảng 2 tiếng đồng hồ. Tiếp đó đem đóng gói lạc, cho vào máy ép lấy tinh dầu thô, sau đó phải cho tinh dầu thô qua màng lọc cặn rồi chiết xuất vào chai, dán nhãn mác.
 
 
Vừa qua, sản phẩm tinh dầu lạc mang nhãn hiệu Super Green do anh Nhân sản xuất đã vinh dự đạt giải Nhất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Trị lần thứ 3 năm 2016.
 
 
Bà Vi Thị Mai (thôn 12) và bà Hà Thị Khăm (thôn 11) - dân tộc Thái tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư 15 triệu đồng mua 5 sào sả Java giống tại xã Ea Tir (huyện Ea H’leo). Bà Hà Thị Khăm vay vốn thuê 3 ha đất, còn gia đình bà Mai chặt 1,5 ha cao su 3 năm tuổi để cùng trồng sả nhằm phát triển mô hình sản xuất tinh dầu sả Java đầu tiên tại địa phương. Đến cuối năm 2016, khi sả sắp cho thu hoạch 2 bà tiếp tục lặn lội ra tận Tuyên Quang mua lò ép về đặt tại gia đình để sản suất tinh dầu sả.
 
 
Hiện 2 gia đình có 8 ha sả (bà Mai 5 ha, bà Khăm 3 ha) cho thu hoạch quanh năm. Lá sả sau khi thu hoạch sẽ được phơi tại ruộng từ 1 – 2 ngày trước khi được vận chuyển về để tách tinh dầu nhằm đạt sản lượng tinh dầu tối đa. Trung bình cứ 30 - 45 ngày, gia đình 2 bà cắt lá 1 đợt (cắt từ phần rốn củ trở lên), ép được trên 150 lít tinh dầu sả Java. Mỗi lít tinh dầu sả được bán với giá dao động trên dưới 300 nghìn đồng cho người dân địa phương và các tỉnh lân cận. Sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi đợt thu hoạch 2 gia đình thu về hơn 50 triệu đồng. Ngoài ra, lá sả sau khi được tách tinh dầu còn được tận dụng làm phân hữu cơ, bón cho cây lúa, tiêu… giúp tăng sức đề kháng góp phần đem lại năng suất cao, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất.
 
 
Có thể thấy, mô hình sản xuất tinh dầu cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trồng lúa, không chỉ giúp bà con nông dân vươn lên thoát nghèo mà còn mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở nhiều địa phương.

Bài viết liên quan

  • Shop tinh dầu 100 áp dụng tích hợp VNPAY thanh toán không dùng tiền mặt.

Điện thoại của bạn chỉ cần có Internet Banking là bạn có thể quét mã và thanh toán ngay.
  • Chứng nhận của bộ công thương
  • Giảm say xe, khử sạch mùi khó chịu khi sử dụng ô tô bằng tinh dầu treo xe
  • Báo người đưa tin đăng bài.
  • Dùng đá muối đặt chân Himalaya sai cách, lợi bất cập hại
  • Sở hữu đèn tinh dầu giảm đến 50% tại Tinhdau100.com